News Detail

Cách tạo sinh khí cho ngôi nhà vào mùa xuân

Cách tạo sinh khí cho ngôi nhà vào mùa xuân

Mùa xuân là mùa khởi đầu của một năm mới, khởi đầu chu kỳ sinh trưởng của vạn vật, đây cũng là thời điểm thích hợp để thay đổi vận khí nhà ở. Một trong những cách cải tạo vận khí nhà ở chính là tạo sinh khí cho ngôi nhà.

 

Sinh khí là gì? Vì sao cần tạo sinh khí cho ngôi nhà?

Nếu phân “khí” phong thủy theo ý nghĩa tốt – xấu thì sinh khí là một loại khí tốt, đối lập với sát khí hoặc tử khí.

Sinh khí còn được hiểu là hỉ khí, dương khí, trường khí. Những loại khí này mang đến dòng năng lượng tốt, tạo cảm giác vui vẻ, hưng phấn từ đó kích hoạt tài lộc, may mắn, sức khỏe, bình an cho các thành viên trong gia đình. Như vậy việc tạo sinh khí cho ngôi nhà sẽ đem lại nhiều lợi ích tốt.

Đối lập với sinh khí là sát khí, chỉ những loại âm khí, ác khí, tử khí, hung khí… thường tạo ra cảm giác nặng nề, trì trệ cho con người, tức mang lại những bất lợi.

Về mặt cảm nhận hữu hình, nhà có nhiều sinh khí là những ngôi nhà thoáng đãng, có đủ ánh sáng, thông gió tốt, không khí trong lành. Ngược lại, nhà thiếu sinh khí hay nhiều sát khí thường tối tăm, ẩm ướt, nhiều bụi bặm…

Sinh khí sẽ bị lấn át nếu có nhiều sát khí. Chẳng hạn, ngôi nhà thoáng đãng, đủ sáng nhưng bài trí lộn xộn, nhiều đồ đạc, rác bẩn, bố trí các khu chức năng không hợp lý… cũng sẽ làm giảm các ích lợi tốt của sinh khí, tăng sát khí.

Những cách tạo sinh khí cho ngôi nhà trong mùa xuân

– Tạo không gian thông thoáng, đủ ánh sáng

Ghế sofa có nhiều gối ôm đặt cạnh khung cửa sổ kính trắng nhìn ra bãi cõ, lọ hoa nhiều màu. 
Ánh sáng tự nhiên là giải pháp tốt nhất để tăng cường sinh khí cho ngôi nhà. Ảnh minh họa

Ánh sáng tự nhiên là yếu tố rất tốt để giúp ngôi nhà có thêm sinh khí. Khi thiết kế nhà ở, nên cố gắng đảm bảo tất cả các phòng trong nhà đều có cửa sổ hoặc mặt thoáng tiếp xúc với bên ngoài, đón được ánh sáng tự nhiên. Ánh nắng mặt trời mang nhiều năng lượng dương, không chỉ cung cấp ánh sáng mà còn tạo năng lượng tươi mới, tích cực, tốt cho sức khỏe con người.

Để không gian thông thoáng, cần chú ý đến yếu tố tiếp theo là thông gió. Không khí trong nhà luôn cần có sự luân chuyển, do đó việc thiết kế các cửa hay mặt thoáng mới là yếu tố cần, yếu tố đủ là các cửa phải bố trí ở những vị trí hợp lý, có thể hút gió vào – ra, tạo sự lưu thông không khí.

Sau những tháng mùa đông, vào mùa xuân tiết trời trở nên ấm áp, dễ chịu hơn, nên tích cực mở các cửa trong nhà để đón được nhiều ánh sáng và năng lượng tươi mới từ thiên nhiên.

– Tăng cường cây xanh, chất liệu tự nhiên thân thiện môi trường

Cây xanh rất tốt cho sức khỏe con người bởi chúng có khả năng hút khí cacbonic, một số chất độc trong không khí và nhả ra khí oxy. Trong phong thủy, cây xanh mang lại những năng lượng tích cực, giúp không khí trong nhà trong lành, tươi mới hơn. Xét về ngũ hành, cây xanh thuộc Mộc, giúp cân bằng năng lượng với các ngũ hành khác trong nhà, đặc biệt là những năng lượng âm từ các chất liệu nhân tạo như bê tông, đồ nhựa… Do đó, cây xanh là lựa chọn tốt nhất để tăng sinh khí cho nhà ở, đồng thời còn tạo vẻ đẹp thẩm mỹ cho không gian sống.

Phòng khách màu trắng với sofa trắng, lọ hoa trên bàn... đặt cạnh cửa sổ nhiều ánh nắng. 
Lựa chọn màu sắc, chất liệu hài hòa, bố trí nhà cửa ngăn nắp là cách tạo
sinh khí cho không gian sống. Ảnh minh họa

Ngoài cây xanh, việc sử dụng nhiều vật liệu nguồn gốc tự nhiên như gỗ, gốm, đá… cũng giúp cân bằng năng lượng cho ngôi nhà, tạo cảm giác gần gũi, ấm áp. Những chất liệu này có thể sử dụng làm tiểu cảnh trang trí, nội thất hay đồ trang trí trong nhà.

– Kết hợp hài hòa màu sắc và chất liệu

Ngoài cây xanh, để ngôi nhà cân bằng năng lượng, nên sử dụng màu sắc, âm thanh, ánh sáng… hợp lý.

Mùa xuân thời tiết khá ẩm ướt, chưa có nhiều ánh nắng mặt trời nên tăng cường màu sắc thuộc Hỏa và Thổ như đỏ, nâu vàng… Đây là những màu sắc tượng trưng cho tiết khí xuân – hạ.

Quan điểm lựa chọn màu sắc theo ngũ hành, ví dụ gia chủ mệnh Hỏa cần sơn nhà màu đỏ… là chưa hiểu đầy đủ về hài hòa ngũ hành. Bởi triết lý ngũ hành thực chất là chỉ sự tương tác, chuyển hóa qua lại giữa các thành phần trong môi trường sống. Nếu chỉ lựa chọn một màu sắc hay chất liệu trang trí nhà ở sẽ gây thừa, lấn át hành khác, tạo ra hệ quả xấu. Do đó cần kết hợp hài hòa màu sắc chất liệu để tạo ra sự cân bằng ngũ hành.

Chẳng hạn, với gia chủ mệnh Kim, nếu chọn sơn tường màu trắng xám (tương hòa) thì nên kết hợp trang trí các mảng trần hình vuông hoặc tròn (Thổ sinh Kim). Ngoài màu chủ đạo là trắng xám, nên bổ sung thêm các gam màu nóng như đỏ, hồng… để tạo điểm nhấn.

Ngoài trang trí nhà theo mệnh gia chủ, cần dựa vào đặc tính của không gian cụ thể, đôi lúc cần dùng cả yếu tố khắc. Chẳng hạn, vào dịp Tết, gia chủ nên bổ sung thêm điểm nhấn màu đỏ, cam (Hỏa) cho căn phòng chỉ có màu trắng (Kim)…. Nếu sử dụng bàn gỗ sơn màu đỏ sậm (Mộc – Hỏa) thì một bình hoa bằng sứ hay pha lê đặt trên bàn sẽ bổ sung hành Kim tạo ra sự cân bằng.

Phòng khách với sofa, bàn trà, góc nhà cạnh bức tường trắng là cầu thang gỗ màu đen đặt nhiều chậu cây. 
Tạo điểm nhấn hoa lá tươi tắn tại hành lang, nơi chuyển tiếp, lối đi lại… để dẫn dắt
sinh khí vào các không gian trong nhà. Ảnh minh họa

Một vài lưu ý khi trang trí nhà để thu hút sinh khí

– Không nên sử dụng những mảng trang trí có nhiều góc cạnh, hay tạo ra những ngóc ngách tối, quá nhiều màu sắc trầm buồn.

– Ưu tiên các chất liệu trang trí dễ vệ sinh cho phòng bếp như đá, gỗ MDF… Trên bàn ăn nên sử dụng thêm ánh sáng ấm áp, tăng cảm giác ấm cúng và kích hoạt năng lượng cho bữa ăn gia đình.

– Trang trí các màu sắc tươi mới, chất liệu thân thiện tự nhiên và cửa sổ cung cấp ánh sáng cho không gian sinh hoạt chung.

– Với phòng khách và các không gian đối ngoại như tiền sảnh, phòng ăn, nên chọn cách trang trí cân đối, bề thế và trang trọng.

– Với những ngôi nhà có ít mặt thoáng nên tăng cường ánh sáng bằng cách thiết kế thêm giếng trời hoặc mái kính, có thể bổ sung đèn điện tại những góc khuất. Với nhà nhỏ, không nên dùng quá nhiều vách ngăn, hãy thiết kế mở để tận dụng tối đa ánh sáng. Những không gian kín nên lắp thêm quạt thông gió để không khí luôn luân chuyển.

– Thêm sinh khí của mùa xuân cho không gian giao thông (hành lang, cầu thang, lối đi lại…) bằng cách treo tranh phong cảnh, thêm cây cối (Mộc). Tại các vị trí chuyển tiếp, có thể bổ sung thêm đèn rọi ánh sáng vàng dọc theo các lối đi, tạo không khí vui tươi vào dịp năm mới.

– Tập trung vào những mảng trang trí tối giản, gọn đẹp và phù hợp thay vì các giải pháp tốn kém và mất nhiều thời gian.

Hải Âu (TH)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

So sánh

Nhập vào từ khóa của bạn

Hotline

0947786633