.Phóng viên: Thưa ông, hạ tầng giao thông của tỉnh Đắk Lắk hiện còn những hạn chế nào?

Tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang: Kết nối kinh tế rừng - biển - Ảnh 1.

Ông Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk

 Ông BÙI VĂN CƯỜNG: Hạ tầng giao thông của tỉnh cơ bản đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa, hành khách trong tỉnh đi các tỉnh trong khu vực. Tuy nhiên, hiện không có đường sắt, đường thủy kết nối với các tỉnh, đa số các tuyến quốc lộ đã xuống cấp, quy mô nhỏ, làn đường chưa đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải. Các tuyến đường giao thông chủ yếu là đường cấp IV, cấp V miền núi, khai thác sử dụng trên 15 năm, cần được cải tạo, nâng cấp, đặc biệt là các tuyến giao thông huyết mạch. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu, điểm nghẽn ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh, xuất khẩu hàng hóa, nông sản cũng như tiềm năng phát triển du lịch, thu hút đầu tư của tỉnh.

.Ngay khi về nhận nhiệm vụ Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, lý do vì sao ông quyết tâm xây dựng tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột – Nha Trang?

– Đắk Lắk là tỉnh có vị trí quan trọng trong khu vực Tây Nguyên với nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng các phương thức vận tải chủ yếu tập trung vào đường bộ, chiếm 95%; đường hàng không chỉ bảo đảm vận chuyển 5% còn lại. Đắk Lắk hiện chưa có tuyến đường giao thông huyết mạch với khoảng cách phù hợp (100 km) để kết nối với cảng biển, đây chính là điểm nghẽn lớn cần phải tháo gỡ. Quốc lộ 26 dài 180 km kết nối với Khánh Hòa, mất rất nhiều thời gian đi lại (từ 4-8 giờ). Trong khi đó, vận tải đường thủy có chi phí rẻ nhất, hàng hóa xuất khẩu và vận tải đến các địa phương khác trong cả nước bằng đường thủy thì tính cạnh tranh sẽ rất cao.

Tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang: Kết nối kinh tế rừng - biển - Ảnh 2.

Quốc lộ 26 nối 2 tỉnh Đắk Lắk – Khánh Hòa nhỏ hẹp, quanh co làm mất nhiều thời gian vận chuyển hàng hóa.Ảnh: CAO NGUYÊN

Vì vậy, nếu có tuyến cao tốc kết nối “rừng” với “biển” chắc chắn sẽ thúc đẩy mạnh phát triển du lịch cho khu vực. Bởi lẽ, đi du lịch “biển” mà chỉ khoảng trên dưới 1 giờ chạy xe sẽ lên “rừng” thì rất thú vị và ngược lại. Đồng thời, vừa kết nối với tuyến cao tốc Bắc Nam để kết nối với TP HCM, kết nối Tây Nguyên với đồng bằng duyên hải miền Trung, kể cả Đông Bắc Campuchia và Nam Lào. Tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột – Nha Trang là một trong những dự án động lực, có ý nghĩa hết sức quan trọng cho sự phát triển của Tây Nguyên và Đắk Lắk.

Vì vậy, sau khi được Bộ Chính trị điều động, phân công giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, tôi đã tìm hiểu và đề xuất ý tưởng rồi cùng với tập thể Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, bàn bạc thống nhất và quyết tâm cao kiến nghị Chính phủ, các bộ – ngành trung ương nghiên cứu, xây dựng tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột – Nha Trang.

.Hiện việc xây dựng tuyến cao tốc nối “rừng” và “biển” có những thuận lợi, khó khăn gì?

– Điều thuận lợi là sự thống nhất và quyết tâm cao của tập thể Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự đồng tình rất cao của các tầng lớp nhân dân, sự thống nhất cao của lãnh đạo và nhân dân tỉnh Khánh Hòa, các tỉnh Tây Nguyên. Đồng thời, Bộ Chính trị, Chính phủ và các bộ – ngành trung ương có liên quan ủng hộ chủ trương này. Tuy nhiên, dự án cần nguồn vốn đầu tư lớn. Ngoài ra, do địa hình chuyển tiếp từ cao nguyên xuống đồng bằng nên khối lượng xây dựng công trình khá lớn, các hầm đều dốc một phía sẽ ảnh hưởng đến khâu vận hành, khai thác.

.Tiến độ thực hiện dự án dự kiến ra sao, thưa ông?

– Tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột – Nha Trang là dự án giao thông chiến lược, mang tầm quốc gia, để thực hiện được cần có sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ – ngành trung ương cũng như 2 tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa. Căn cứ Kết luận số 67KL/TW ngày 16-12-2019 của Bộ Chính trị, tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Khánh Hòa đã có công văn đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xem xét bổ sung tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột – Nha Trang vào quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam. Hai địa phương đề nghị xem xét chọn 2 hướng tuyến với chiều dài mỗi phương án là từ 100 – 110 km, được quy hoạch theo quy mô 6 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/giờ.

Hiện nay, dự án này đã được Bộ GTVT xem xét, kiến nghị Thủ tướng quyết định bổ sung vào Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đã đưa dự án này vào dự án trọng điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo năm 2021 để đẩy nhanh tiến độ. Vừa qua, tỉnh Đắk Lắk cũng đã làm việc với Tập đoàn Đèo Cả để trao đổi, bàn bạc, thuyết minh tóm tắt phương án tài chính. Tôi tin rằng với sự vào cuộc của các bộ – ngành trung ương cũng như quyết tâm của 2 tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa thì dự án cao tốc Buôn Ma Thuột – Nha Trang sẽ sớm được triển khai thực hiện.

.Để thực hiện dự án này, cần nguồn kinh phí rất lớn trong khi ngân sách còn hạn chế. Bài toán vốn được giải quyết ra sao?

– Đây là một dự án lớn mang tầm quốc gia, trên cơ sở tư vấn của các công ty xây dựng thì kinh phí để thực hiện dự án lên đến trên 20.000 tỉ đồng. Chúng tôi đang tính toán theo hướng quy hoạch là đường cao tốc nhưng trước mắt làm đường tốc độ cao thì tổng mức đầu tư sẽ giảm. Từ đó, một phần xin nguồn vốn ngân sách, một phần vốn từ nguồn đấu giá đất của các dự án đô thị, khu hoặc cụm công nghiệp dọc tuyến cao tốc, một phần từ nhà đầu tư. Sắp tới, chúng tôi sẽ xin ý kiến cấp có thẩm quyền về vấn đề này. Tuy nhiên, cần có sự chỉ đạo của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ – ngành trung ương trong việc kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công – tư.

.Cử tri tỉnh Đắk Lắk đã có ý kiến về dự án, các bộ – ngành trung ương trả lời thế nào?

– Tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5-2020) Quốc hội khóa XIV, cử tri tỉnh Đắk Lắk đề nghị Bộ GTVT sớm đề xuất dự án vào quy hoạch đường cao tốc Việt Nam. Bộ GTVT cho biết đã có văn bản giao Tổng cục Đường bộ nghiên cứu đề xuất để cập nhật vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hiện Tổng cục Đường bộ đã lựa chọn tư vấn và đang triển khai nghiên cứu, khảo sát để cập nhật vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam.

Tỉnh Đắk Lắk cũng chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Đường bộ trong quá trình nghiên cứu, xem xét, bổ sung quy hoạch, bảo đảm phù hợp với các mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế – xã hội lâu dài của địa phương.

.Ông kỳ vọng gì vào dự án này, đặc biệt là trong việc phát triển du lịch?

– Du lịch là một trong những thế mạnh của tỉnh Đắk Lắk với nhiều địa danh nổi tiếng cũng như các loại hình phong phú như: du lịch cộng đồng, sinh thái, khám phá, trải nghiệm, nghỉ dưỡng… Đặc biệt, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Việc phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột – Nha Trang được kỳ vọng sẽ là giải pháp đột phá kết nối du lịch “rừng – biển”. Du khách sẽ tham quan biển gắn với các tour du lịch Tây Nguyên và Đắk Lắk.

Phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông

Theo Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường, ngoài tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột – Nha Trang, tỉnh Đắk Lắk sẽ kiến nghị với Chính phủ, các bộ – ngành trung ương đầu tư, hỗ trợ phát triển tuyến đường giao thông từ cửa khẩu Đắk Ruê đến thị xã Konhec (Campuchia) để lưu thông, giao thương hàng hóa, thúc đẩy “tam giác” phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia. Bộ GTVT cũng có kế hoạch đầu tư cải tạo, nâng cấp một số tuyến, quốc lộ đoạn qua địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Tỉnh đã kiến nghị trung ương sớm đầu tư đường sắt Buôn Ma Thuột – Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) để giảm áp lực cho đường bộ. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam, qua đây sẽ nghiên cứu, xây dựng các tuyến đường sắt kết nối các tỉnh khu vực Tây Nguyên: Kon Tum – Đắk Lắk – Đắk Nông – Bình Phước, Đắk Nông – Bình Thuận.

Về đường hàng không, Bộ GTVT đã thống nhất tầm quan trọng nâng cấp sân bay Buôn Ma Thuột thành Cảng Hàng không quốc tế.

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang: Kết nối kinh tế rừng - biển - Ảnh 4.

Cao Nguyên thực hiện